Trong kỳ thai sản, răng lợi cần được chăm sóc đặc biệt. Cả dịch vụ chăm sóc răng miệng định kỳ và khẩn cấp đều an toàn đối với phụ nữ mang bầu và được khuyến khích duy trì để bảo vệ sức khỏe của thai phụ và thai nhi.
Răng miệng của quý vị sẽ có rất nhiều thay đổi trong quá trình mang thai đấy!
- Nội tiết tố thay đổi khiến lợi dễ bị chảy máu hoặc/và sưng hơn.
- Ốm nghén cũng gây nhiều nguy cơ cho sức khỏe răng miệng.
- Chế độ ăn cũng sẽ thay đổi: thai phụ dễ thèm đồ ăn vặt hơn
Việc vệ sinh răng miệng sẽ giúp giảm lượng vi khuẩn trong miệng, giúp tránh tình trạng nhiệt miệng và sâu răng. Điều này cũng có ích với em bé sau khi sinh ra. Sâu răng là bệnh mãn tính thường gặp nhất ở trẻ nhỏ. Vi khuẩn gây sâu răng có thể truyền từ cha mẹ sang con cái một cách vô thức qua các hoạt động thường ngày. Nước bọt và vi khuẩn từ người lớn có thể lây sang trẻ em khi dùng miệng xử lý nốt sữa còn thừa trên ti giả hoặc bình sữa và khi dùng chung thìa đũa, cốc hoặc bàn chải đánh răng. Việc thăm khám định kỳ với nha sĩ có thể làm giảm số lượng vi khuẩn sinh sôi trong miệng thai phụ và hạn chế đáng kể lượng vi khuẩn truyền sang cho trẻ.
Dưới đây là vài điều mà thai phụ có thể thực hiện để chăm sóc sức khỏe răng miệng:
- Đi khám nha sĩ định kỳ.
- Đánh răng hai lần một ngày và dùng chỉ nha khoa hằng ngày để duy trì sức khỏe răng miệng.
- Cố gắng chỉ ăn uống các loại thực phẩm có chứa đường vào bữa chính nếu được vì việc ăn vặt thường xuyên các món nhiều đường có thể gây sâu răng.
- Uống nước và tránh các loại đồ uống có ga chứa đường.
- Ăn hoa quả thay vì uống nước ép.
- Nếu quý vị bị ốm nghén, hãy rửa miệng bằng một thìa nhỏ baking soda hòa tan trong nước sau khi nôn để vệ sinh răng.
Nha sĩ có thể:
- Kiểm tra tình trạng sâu răng và các bệnh khác liên quan đến nướu để phòng tránh kể cả khi không có triệu chứng bệnh.
- Hướng dẫn cách phòng ngừa các vấn đề răng miệng.
- Giúp quý vị chăm sóc và giữ gìn sức khỏe răng miệng.
Những điều cha mẹ có thể làm để chăm sóc sức khỏe răng miệng của em bé:
- Dùng khăn mềm hoặc bàn chải lông mềm để vệ sinh răng cho bé sau khi ăn.
- Tránh để trẻ ngủ quên khi vẫn đang bú bình hoặc bú cốc có chứa bất kỳ thứ gì ngoài nước.
- Hạn chế những hành vi có thể truyền nước bọt, chẳng hạn như dùng chung thìa khi nếm đồ ăn cho bé hoặc dùng miệng vệ sinh ti giả khi bị rơi.
- Đưa cả gia đình đi khám nha khoa định kỳ để giữ gìn vệ sinh răng miệng.
- Đưa bé đi gặp nha sĩ. Trẻ em nên đi khám nha khoa khi chiếc răng đầu tiên mọc hoặc khi được 12 tháng tuổi.