Bệnh về nướu là tình trạng sưng của các mô sung quanh răng. Bệnh này đôi khi cũng có triệu chứng bệnh, nhưng đa phần là không gây đau đớn. Mảng bám là chất mềm, dính, do vi khuẩn sản sinh trong khoang miệng mỗi ngày. Vì mảng bám rất mềm nên có thể loại bỏ nó bằng cách đánh răng và dùng chỉ nha khoa. Bệnh về nướu thường bắt đầu khi mảng bám dinh dính này không được loại bỏ. Dần dần, mảng bám có thể cứng dần và hình thành vôi răng. Chỉ đánh răng và dùng chỉ nha khoa không thôi thì không thể loại bỏ vôi răng. Quý vị phải đi vệ sinh răng miệng ở phòng khám thì mới loại bỏ được vôi răng. Có hai loại bệnh về nướu chính là bệnh viêm lợi và bệnh nha chu.
Viêm lợi ảnh hưởng đến các mô mềm khiến lợi bị đỏ, phồng lên và sinh nhiệt, thậm chí chảy máu. Đây là hình thái nhẹ nhất của bệnh về nướu. Nếu chăm sóc răng miệng tốt ở nhà (đánh răng và dùng chỉ nha khoa) cũng như thường xuyên được chăm sóc nha khoa (nha sĩ vệ sinh) thì viêm lợi có thể hết.
Nếu viêm lợi mãi không dứt thì có thể dẫn đến bệnh nha chu. Bệnh nha chu nghiêm trọng hơn nhiều. Bệnh này ảnh hưởng đến cả mô mềm lẫn phần xương hỗ trợ răng. Bệnh này có thể gây cảm giác khó chịu, nướu bị sưng và chảy máu. Quý vị vẫn có thể mắc bệnh này khi nướu không hề bị sưng hay chảy máu gì. Bệnh nha chu gây tiêu xương quanh răng và tình trạng này sẽ không thể hồi phục được. Một khi đã mắc bệnh nha chu thì việc vệ sinh răng miệng định kỳ và chăm sóc kỹ răng miệng ở nhà chỉ còn là để tránh cho xương bị tiêu nhiều hơn. Nếu xương bị tiêu quá nhiều - tình trạng này gọi là bệnh nha chu nặng - thì răng có thể bị lung lay và thậm chí rụng đi.
Một số yếu tố rủi ro góp phần vào nguy cơ mắc bệnh có thể kể đến là tuổi tác, tâm lý căng thẳng, một số loại thuốc nhất định, thói quen hút thuốc và một số bệnh hệ thống (bao gồm tiểu đường). Người hút thuốc dễ mắc bệnh nha chu hơn gấp 2 lần so với người không hút thuốc và người mắc bệnh tiểu đường dễ mắc bệnh nha chu hơn gấp 2 đến 3 lần so với người không bị tiểu đường.
Nhà cung cấp nha khoa của quý vị sẽ chụp x-quang và đo đạc nướu quanh răng quý vị để đánh giá tình trạng. Tùy vào điều kiện răng lợi, nha sĩ và chuyên gia vệ sinh răng miệng sẽ quyết định xem răng quý vị cần được vệ sinh như thế nào và với tần suất ra sao. Việc vệ sinh răng miệng đều đặn từ sớm có thể giúp ổn định bệnh nha chu và tránh bệnh diễn tiến nặng hơn.